[Tây Du] Xuyên không làm tiên tử (1)

Chương 1: Ra là xuyên vào “Tây Du”

Nếu nhìn vào mặt tích cực, việc tôi xuyên không dưới hình hài của một đứa trẻ giúp tôi có nhiều thời gian để phân tích tình hình hiện tại. Trẻ con ấy mà, đặc biệt là trẻ sơ sinh đều hầu như chẳng có việc gì làm ngoài ăn, ngủ, ị và khóc nhè. Nhờ vậy mà tôi có thể nằm thẩn thơ cả ngày mà không có ai ý kiến cả, thậm chí “cha” của tôi ở thế giới này thi thoảng còn tấm tắc khen tôi là đứa trẻ ngoan ngoãn.

Ôi dào, thế nào cũng được.

Tôi mất vài tuần để chấp nhận sự thật là mình đã xuyên không vào thời kỳ cổ đại, ba tháng sau thì tôi đã đoán được ý những người xung quanh bằng giọng điệu và hành động của họ, không hẳn là quá chính xác, nhưng dù có trật thì cũng không có hậu quả gì nghiêm trọng, cái lợi của việc ở trong hình hài trẻ con chính là ở điểm đó. Ở giai đoạn được một tuổi, tôi đã có thể nghe hiểu một số những đoạn đối thoại thường ngày, thậm chí tôi có thể giao tiếp được nếu muốn, tất nhiên là với một số trở ngại về mặt sinh học.

– Nươn…

Đó là lời đầu tiên tôi nói với người mẹ của mình ở thế giới này. Kết cấu vòm họng chưa đầy đủ khiến câu chữ của tôi nghe vô vọng đến bực mình, nhưng tất nhiên là bấy nhiêu cũng quá đủ để người cha và mẹ sinh học của tôi mừng đến rơi nước mắt. Vợ chồng nhà họ Hoài là những người nhạy cảm, đặc biệt là “cha” của tôi. Tôi là một người không quá nhạy cảm,  vậy mà vẫn có thể cảm nhận được rằng ánh mắt ông nhìn tôi lúc nào cũng ướt át như kẻ tìm báu vật đã gặp được kỳ trân dị bảo trên đời vậy. Mỗi hành động của tôi, dù là thông minh hay ngu ngốc, ông cũng đều đong đưa tôi trên tay mà khen ngợi bằng giọng điệu hạnh phúc khiến tôi nhiều khi cũng có chút rùng mình.

– Nàng xem, tiểu màn thầu nhà chúng ta đã có thể gọi mẫu thân rồi. Nàng nghĩ xem khi nào con bé sẽ có thể gọi phụ thân đây?

Ông vừa xốc nách tôi lên, vung vẩy cơ thể bé xíu của tôi trong không khí, vừa nói chuyện với vợ của mình. Biểu cảm vui vẻ quá độ khiến gương mặt của ông hơi nhăn dúm lại, làm tôi chợt nhận ra người cha này của tôi đã không còn trẻ nữa.

Mẹ của tôi ở bên cạnh rõ ràng là đang vừa lo lắng vừa buồn cười. Bà đưa vạt áo lên che miệng cười duyên:

– Chàng phải cho con bé thời gian chứ… Dù gì An nhi cũng chỉ mới được gần một tuổi.

– Nào nào, An nhi, gọi phụ thân đi con.

Tôi lén lút bĩu môi. Chữ “phụ thân” đơn giản tất nhiên là tôi có thể nói, nhưng tôi cứ không nói đấy. Ừm, ít nhất là cho đến khi cha tôi cất mấy cái hành động mang đậm tính “meme” của mình đi đã.

Với cả, tôi cũng không định tỏ ra hiểu biết quá nhiều.

Thế giới này đối với tôi vẫn còn rất lạ lẫm, chưa thể hoàn toàn tin tưởng mà phô diễn hết tài nghệ được. Dựa theo kiến thức lấy từ phim cổ trang truyền hình lúc 8 giờ, thời cổ đại là nơi cực kỳ nhạy cảm với những thứ hơn người. Dù đây có là cha mẹ ruột của tôi, nếu tôi cứ vô tư thể hiện thì có khi họ lại xem tôi như yêu quái cũng không chừng. Tốt nhất là tôi vẫn cứ kiềm chế bản thân một chút, làm sao cho chính mình trông giống một đứa nhỏ bình thường hết sức có thể mới là khôn ngoan.

Tôi cứ như vậy mà lớn lên dưới tư cách là đứa con gái duy nhất của nhà họ Hoài. Quá trình lớn lên trong sáu năm đầu của tôi coi như là khá bình thường, ngoại trừ vài lần tôi có ý định treo cổ hoặc nhảy từ trên mái nhà xuống. Không không không, việc xuyên không này tất nhiên là không có ảnh hưởng xấu đến não bộ của tôi. Chỉ là, tôi có suy nghĩ, giả dụ như vì một tai nạn nào đó trong thế giới cũ mà tôi lỡ chết đi, sau đó xuyên không đến thế giới này. Vậy thì nếu như tôi đảo ngược phương trình một chút, kết thúc mạng sống của bản thân ở thế giới này thì có phải tôi sẽ được trở về không?

Với cái suy nghĩ đó, ngay từ khi cái cơ thể bé nhỏ này mò mẫm tự di chuyển được, tôi đã bắt đầu thử thực nghiệm giả thiết của mình. Theo tôi thì việc này có thể gọi là “khủng hoảng tuổi lên ba”, nhưng mấy người cổ đại ấy mà, họ rất thích làm quá vấn đề, nên thành ra cả cái trấn Hoa Dung này những năm đó đồn ầm lên rằng đứa con gái nhà họ Hoài là một đứa điên. Tôi thì không quá bận tâm đến họ, nhưng cha mẹ tôi thì không được như vậy. Suốt ba năm trời, hai người không lúc nào là dám rời mắt khỏi tôi. Họ không đánh đập, chửi bới hay ghét bỏ gì tôi cả, chỉ là mỗi ngày họ đều làm ra vẻ như không có chuyện gì xảy ra mà chơi đùa với tôi, an ủi tôi bằng cái biểu cảm như sắp khóc tới nơi vậy. Điều này khiến tôi có chút phiền lòng. Ừ thì vợ chồng nhà họ Hoài dù sao vẫn là cha mẹ của tôi mà, tôi cũng không phải là một đứa con bất hiếu.

Vì vậy, đến năm sáu tuổi thì tôi dừng hẳn những việc tự tổn thương mình và tự nhủ rằng rồi sẽ có một ngày tôi tìm được phương pháp để trở về thế giới cũ. Dù là tôi không có quá nhiều niềm tin trong việc này.

Đó là hành động từ suy nghĩ của tôi thôi. Nhưng cha mẹ tôi thì lại không nghĩ vậy. Dù tôi đã cố giải thích nhiều lần về điều này nhưng họ lại cứ kiên quyết rằng việc tôi “bình thường” trở lại chính là nhờ vào các vị thần linh phù hộ và tôi cần phải đi cùng họ đến đền thờ Đế Thích Thiên của Thiên Giới để trả lễ.

– Con có thể không đi không?

Tôi cố gắng trưng ra vẻ mặt phụng phịu, cố gắng lấy lòng cha. Cơ thể của tôi ở thế giới này thật sự rất tiện lợi, chỉ cần hơi phồng má là có thể bày ra bộ dạng vừa yếu đuối vừa đáng yêu, cảm giác như có thể xin xỏ người ta mọi điều bằng cái mặt này vậy.

Qua tấm gương soi, tôi có thể thấy cha hít vào một hơi, dùng tất cả định lực để duy trì vẻ mặt nghiêm khắc khi đáp lại:

– Không được, An nhi à, chúng ta phải tôn kính với thần tiên. Chưa kể bây giờ con sáu tuổi rồi, cũng phải đến thần điện để cảm tạ Đế Thích Thiên mới được.

Mẹ tôi vừa chải đầu cho tôi vừa cười nhẹ:

– Con là do Đế Thích Thiên ban cho nhà họ Hoài mà…

Tôi bĩu môi. Đây là chuyện năm nào cũng được cha mẹ nhắc lại với một vẻ sùng kính nhất định, nhưng tôi là một thanh niên thế hệ 4.0, được giáo dục theo tư tưởng duy vật, nên dù các cụ có nói thêm vài năm nữa, tôi cũng khó có thể tiếp nhận mấy chuyện tâm linh như tới thần điện để xin về một đứa con, nói chi đến chuyện đi cúng căn.

Tuy vậy, lần này cha mẹ tôi lại khá là cứng rắn, tôi thật sự chẳng còn cách nào ngoài theo ý của họ đến thần điện.

Thật lòng mà nói thì tôi không muốn gia đình mình đi xa cho lắm.

Không rõ họ có biết sự nguy hiểm trong thời đại của mình hay không, nhưng tôi thì đã từng có một thời gian sang chấn tâm lý khi xác định được nơi mình xuyên đến.

Có muốn đoán thử không? Để tôi cho vài gợi ý nhé?

Chúng tôi là gia đình nhà họ Hoài, sống dưới thời Đường của một Trung Hoa “hơi khác một chút”. Đây là thời đại thần linh viễn cổ. “Thiên Chúng”, “Long Chúng”, “Dạ Xoa”, “Càn Thát Bà”, “A Tu La”, “Ca Lâu La” và “Ma Hầu La Già”, hợp xưng là Thiên Long Bát Bộ. Đó là những chủng loài có sức mạnh kinh hồn có thể dời non lấp biển, búng tay một cái là có thể hủy diệt thiên địa. Nhân loại trong thời đại này là một chủng loài yếu ớt, ngoại trừ thờ phụng Thiên Chúng ra thì chúng tôi chỉ có thể cố gắng tránh xa vùng đất do Thiên Long Bát Bộ cai quản.

Thế nào? Nghe rất quen đúng không? Nếu đáp án trong đầu mọi người là Tây Du, vậy thì các người đã đoán đúng rồi đó.

Và như sợ rằng tôi chưa đủ xui xẻo, cái thế lực mang tôi đến đây còn rất “sẵn tiện” ném tôi vào mốc thời gian giao chiến của Thiên Chúng và A Tu La nữa.

Vì thế nên tôi mới sống chết không muốn rời khỏi trấn. Dù không có bằng chứng nào, nhưng theo kinh nghiệm phim truyền hình như tôi, những nơi hẻo lánh như trấn Hoa Dung chính là nơi khá an toàn, có thể tránh xa những giao tranh của cốt truyện gốc.

Nhưng tất nhiên là tôi không thể nói với cha mẹ của mình như vậy.

Nên giờ tôi ở đây, ngồi cùng cha mẹ trong một chiếc xe ngựa đến thành Trường An để cúng trả lễ cho Đế Thích Thiên, đồng thời thầm nguyện cầu rằng trên đường đi sẽ không có chuyện gì xảy ra.

Bình luận về bài viết này